Chuyên mục: Gia đình

Phân tích những bài ca dao than thân về người phụ nữ trong xã hội phong kiến

Sponsored
Sponsored

Có lẽ trong chúng ta, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường vẫn luôn được tiếp cận mới ca dao than thân về người phụ nữ. Nếu bạn đang muốn tìm hiểu về chủ đề này thì hãy cùng theo chân NuChinh tận hưởng nét đẹp của phụ nữ trong văn học qua bài viết dưới đây nhé.

Ca dao than thân về người phụ nữ

Phụ nữ từ xưa đến nay dường như đã trở thành một nguồn cảm hứng cho văn học dân gian. Ca dao tục ngữ về phụ nữ giúp cho mọi người thấu hiểu và cảm thông cho phận nữ nhi.

Có thể nói, ca dao đã làm tròn sứ mệnh của nó trong việc lưu giữ những nỗi lòng của người phụ nữ và mang đến cho ta cái nhìn toàn diện về họ, trong khổ đau cũng như những vẻ đẹp tâm hồn ngời sáng.

Những chùm thơ về phụ nữ hay ca dao về thân phận người phụ nữ là những lời cảm thán cho phận nữ liễu yếu đào tơ nhưng luôn tỏa sáng rực rỡ trong mọi thời đại. Đó có thể là những lời than thân trách phận cũng có thể là những khát khao hạnh phúc tự do.

Những câu ca dao về thân phận người phụ nữ chúng ta vẫn thường nghe thấy có thể kể đến như:

Bắc thang lên hỏi trăng già,

Phải chăng phận gái mưa sa giữa trời.

May ra gặp được giếng khơi

Vừa trong vừa mát lại nơi thanh nhàn.

Chẳng may số phận gian nan,

Lầm than phải chịu phàn nàn cùng ai?

(Ca dao)

Còn duyên kẻ đón người đưa,

Hết duyên đi sớm về trưa một mình.

Còn duyên đóng cửa kén chồng,

Hết duyên ngồi gốc cây hồng nhặt hoa!

Còn duyên kén cá chọn canh,

Hết duyên củ ráy dưa hành cũng trôi.

Còn duyên kén những trai tơ,

Hết duyên ông lão cũng vơ làm chồng!

(Ca dao)

Những câu ca dao nói về thân phận người phụ nữ là nơi gửi gắm những ấm ức, những nỗi đau, sự bất công mà xã hội cũ đã đè nén lên người phụ nữ. Mặc dù khốn khổ nhưng đâu đó vẫn tôn lên sự lạc quan, tin tưởng vào tương lai của họ.

Phân tích bài ca dao thân em như tấm lụa đào, phất phơ giữa chợ biết vào tay ai

Trong xã hội phong kiến xưa, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã từng bước dồn ép người phụ nữ trở thành thành phần thấp cổ bé họng chịu nhiều thiệt thòi. Họ không thể tự cất lên tiếng nói đòi lại công bằng, không có quyền đấu tranh.

Xưa có Thúy Kiều bạc mệnh, rồi bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương tài sắc vẹn toàn nhưng cuộc đời lắm gian truân. Xinh đẹp là vậy, tài năng là thế nhưng họ cũng chỉ có thể khéo léo gửi lời than vãn của mình vào thơ ca mà thôi.

Một trong những câu ca dao được xem là biểu tượng cho hình tượng người phụ nữ trong xã hội cũ chính là:

“Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.”

“Thân em như tấm lụa đào”, đây như là một lời khẳng định giá trị của người phụ nữ. Ý nói rằng, vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay vốn đã như lụa đào. Màu đỏ hồng phơn phớt tựa như đôi má đào của người con gái còn son trẻ.

Vẻ đẹp ấy không chỉ là sự mềm mại, uyển chuyển, kiều diễm mà còn là những nét đẹp từ sâu trong tâm hồn người phụ nữ. Đó là lòng thủy chung son sắt, đức hy sinh cao cả như người xưa vẫn nói là công dung ngôn hạnh, tam tòng tứ đức.

Tuy nhiên, “tấm lụa đào” ấy đẹp là vậy nhưng lại vô cùng mỏng manh, yếu đuối, khiến ta liên tưởng đến số phận long đong, không có bến đỗ của người phụ nữ.

Câu “Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai” càng thể hiện rõ lên nỗi đau đớn, xót xa cho thân phận lận đận của người phụ nữ. Tại sao xinh đẹp, bay bổng đến thế mà lại chẳng thể quyết định số phận của mình.

Người phụ nữ tự ví mình như một món hàng đem đặt giữa chợ cho người đời thỏa sức chọn lựa, kì kèo mặc cả. Nghe sao mà xót lòng, từ bao giờ mà một người phụ nữ lại trở nên bèo bọt, rẻ rúng đến nhường này?

Mấy chữ “biết vào tay ai”, càng làm người ta hiểu được cái số lênh đênh của kiếp hồng nhan xưa, sống mà không được tự lựa chọn hạnh phúc cho riêng mình.

Đến cả người phụ nữ vốn tài sắc và bản lĩnh như nữ sĩ Hồ Xuân Hương, đi qua hết một kiếp người cũng chẳng thoát khỏi kiếp đong đưa. Hai đời chồng, phận làm lẽ rồi cuối cùng lại sống cô độc đến hết đời.

Hồ Xuân Hương có lẽ là một trong những người tiêu biểu nhất trong phong trào thi ca nói về người phụ nữ thời bấy giờ. Có lẽ bà còn may mắn hơn rất nhiều người con gái xưa khi còn có thể thốt lên lời than cho chính mình.

Kiếp hồng nhan khi ấy chỉ có thể trông chờ vào mỗi sự may mắn của số phận, tự như hạt mưa sa, hạt vào đài các hạt lại sao ruộng đồng. Không định hướng, không lựa chọn, thương cho những người con gái ấy.

Toàn bộ câu ca dao nghe qua thì vần điệu, vui tươi đấy nhưng nếu lắng lại và nghiền ngẫm thì mới thấy được lời than oán thật tinh tế mà người xưa đã gửi gắm.

Đó là lời than, lời oán trách thật nhẹ nhàng, nhưng xót xa, đại biểu cho tiếng nói, sự phản kháng yếu ớt của người phụ nữ khi xưa đối với những bất công ngang trái mà họ phải gánh chịu.

Cảm nhận về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ

Bài mẫu 1

Có thể thấy, ngày nay vị thế của người phụ nữ đang càng được khẳng định trong xã hội. Hình ảnh người phụ nữ hiện nay luôn được đề cao và tôn vinh trong mọi phương diện. Nhưng trong xã hội cũ họ không có được sự công nhận như vậy. Không phải ngẫu nhiên mà đại thi hào Nguyễn Du lại nói:

“Đớn đau thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.”

Nghe sao mà đau đớn lòng, trong cái xã hội thối nát ấy, không có gì rẻ rúng hơn, nhỏ bé hơn thân phận của người phụ nữ. Từ ca dao tục ngữ cho đến văn thơ, khi nhắc đến phụ nữ là những lời than trách, oán hận đến xót lòng.

Chắc không ai có thể quên được số phận gian truân của nàng Kiều. Ở cái thời phong kiến đó, cũng là một người con gái xinh đẹp, tài năng, ấy vậy mà cả cuộc đời nàng là chuỗi những tủi hờn, đau khổ mà không phải ai cũng có thể thấu hiểu.

Người phụ nữ trong xã hội phong kiến từ xưa luôn phải chịu số phận vô cùng bất hạnh. Họ có vẻ đẹp bên ngoài và cả phẩm chất đáng quý bên trong nhưng do hủ tục của xã hội phong kiến đã đẩy họ xuống cuộc sống cùng cực.

Có lẽ thơ ca, văn học là nơi duy nhất lắng nghe và gửi gắm những tâm tư và khao khát của phận liễu yếu đào tơ. Đó là:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bẩy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vần giữ tấm lòng son”

(Bánh trôi nước – Hồ Xuân Hương)

Em đẹp là vậy, yêu kiều, mong manh là vậy, sao đến cuộc đời mình cũng phải “mặc dầu tay kẻ nặn”. Mặc dù vậy, vẻ đẹp sắc son của người phụ nữ vẫn là điều mà không một thế lực nào có thể xóa nhòa.

” Thân em như dải lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

Dải lụa đào gợi lên vẻ đẹp yêu kiều, trong trắng, nhẹ nhàng, tinh tế của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Họ có một vẻ đẹp vậy đáng lẽ phải được nâng niu, trân trọng và sống cuộc sống hạnh phúc nhưng không, cuộc sống của họ lại vô cùng bất hạnh: ” Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”.

Trong ca dao dân ca, hình ảnh người phụ nữ còn được gắn liền với con cò. Những bài ca dao con cò về người phụ nữ làm hiện lên hình tượng của người vợ vất vả nuôi chồng:

“Con cò lặn lội bờ ao
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”

Người phụ nữ chân yếu tay mềm, là phận đào tơ ấy vậy mà họ phải tần tảo, chịu thương chịu khó “lặn lội” kiếm miếng cơm manh ao. Người phụ nữ lẽ ra cần có chỗ dựa là người chồng nhưng giờ đây họ phải làm lụng để nuôi chồng, nuôi con.

Nhìn vào thơ ca chúng ta cũng có thể cảm nhận được những nỗi khổ, sự bất công đến tột cùng của người phụ nữ sống dưới thế hệ cũ. Khổ đến mức bản thân có sự lựa chọn, không có tư cách để được yêu thương.

Tuy nhiên, không vì thế mà họ mãi cam chịu, những người phụ nữ ấy vẫn mạnh mẽ thể hiện tình yêu, khao khát tự do của mình chí ít là những lời than trách qua thơ ca.

Nổi bật thì phải kể đến những nữ thi sĩ như Hồ Xuân Hương hay Bà Huyện Thanh Quan, những người phụ nữ đã đặt nền móng cho sự đấu tranh của phận nữ nhi.

Phải chăng vì xã hội phong kiến mà người ta vẫn thường có suy nghĩ “hồng nhan bạc mệnh”? Nhưng hiện nay, quan niệm này dường như đã được xóa bỏ bởi những chế dộ bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ.

Bài mẫu 2

Đến với nền văn học Việt Nam, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước những tác phẩm bất hủ viết về người phụ nữ trong xã hội cũ.

Với cách khắc họa hình tượng một cách giản dị mà tinh tế, những tác phẩm văn học dân gian và văn học trung đại đem lại cho chúng ta biết bao suy nghĩ cùng sự đồng cảm với số phận bất hạnh, đặc biệt là người phụ nữ.

Chế độ phong kiến bất công đã biến cuộc sống của người phụ nữ trở nên thiệt thòi, đầy rẫy những mất mát và hi sinh.

Chúng ta đã từng rất tự hào với kiệt tác bất hủ qua mọi thời đại của đại thi hào Nguyễn Du là “Truyện Kiều”. Trong đó, vẻ đẹp cũng như cuộc đời của nàng Kiều hiện lên như một bức họa có vui có buồn, có thăng có trầm.

Cũng không bất ngờ gì khi người đời vẫn nói “Hồng nhan bạc mệnh”. Một người con gái tài sắc tuyệt trần như Thúy Kiều, một sắc đẹp sánh tựa vẻ đẹp vượt qua cả chuẩn mực nhan sắc như muốn báo trước số phận hẩm hiu, trắc trở.

Một cuộc đời sóng gió, bao nhiêu biến cố bủa vây vùi dập đi cành liễu một thời. Trong cái xã hội trọng đồng tiền thì phụ nữ suy cho cùng cũng chỉ là công cụ để kiếm tiền mà thôi.

Sau bao nhiêu gian truân, đến cuối cùng thì số phận đen đúa cũng không thể làm mất đi tâm hồn trong sáng và nhân cách cao cả của người con gái ấy. Nguyễn Du có lẽ là người thấu hiểu nhất cho trái tim ấy nên mới viết nên được một kiệt tác để đời như vậy.

Trên thực tế thì trước sự xuất hiện của Truyện Kiều thì nhân dân ta cũng đã gặp không ít thân phận bất hạnh trong chùm ca dao than thân về người phụ nữ trong văn học dân gian:

“Thân em như tấm lụa đào,

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.”

Câu ca dao mở đầu bằng hai chữ “thân em” làm nổi bật lên sự ngậm ngùi trong tiếng than của người phụ nữ. Người phụ nữ rõ ràng là có thể nhận thức được vẻ đẹp của mình.

Đó là vẻ đẹp mềm mại, uyển chuyển của tuổi xuân và giá trị cao quí của mình. Nhưng nghệ thuật ẩn dụ ở đây lại nhấn mạnh hơn sự chua sót của cuộc đời. Bởi vì trái ngược với sự đẹp đẽ của “tấm lụa đào” lại là cảnh ngộ “phất phơ giữa chợ”.

Từ bao giờ, người phụ nữ đã trở thành món hàng để mua bán, bị phụ thuộc, cuộc sống bấp bênh không có gì đảm bảo, số phận không biết sẽ vào tay ai.

Người phụ nữ xưa trong văn chương không chỉ đẹp ngoại hình mà còn mang vẻ đẹp của nội tâm được khắc họa rõ nét trong những bài thơ hay về người phụ nữ xưa. Đó là vẻ đẹp của đức hạnh, lòng chung thủy sắt son như Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.

Đức hạnh là thế, hy sinh là vậy nhưng cuối cùng nàng vẫn bị chồng mình nghi ngờ. Còn nhớ hình ảnh Vũ Nương phải gieo mình xuống sông Hoàng Giang để chứng minh sự trong sạch của mình, ôi thật là đau đớn biết nhường nào.

Đối lập với sự cam chịu thường thấy thì những lần hồi sinh của Tấm sau những lần bị hại chính là sự trỗi dậy của khát vọng sống mãnh liệt của người phụ nữ. Đó cũng chính là lời tuyên chiến mạnh mẽ của con người trước sự đàn áp của số phận.

Rõ ràng, người phụ nữ trong xã hội xưa đều có chung một số phận, đều mang tên chung là bất hạnh. Dù cho có sắc đẹp, có tâm hồn cao thượng nhưng rồi cũng vẫn bị phong tục cổ hủ, lễ nghi khắc nghiệt ràng buộc.

Họ có thể vùng dậy mạnh mẽ, nhưng họ vẫn không thể để chiến thắng được các thế lực đen tối, tàn bạo của xã hội phong kiến bất công.

Đọc những áng thơ văn xưa, chúng ta cảm thông, xót thương biết bao cho số phận của người phụ nữ trong xã hội cũ. Đồng thời, người đọc càng trân trọng hơn vẻ đẹp sáng ngời của họ trong xã hội khắc nghiệt ấy.

Bài mẫu 3

Hồ Xuân Hương hay Bà Huyện Thanh Quan là hai trong rất nhiều những nữ sĩ dám vượt lên trên áp bức, rào cản của xã hội phong kiến để thay lời người phụ nữ khẳng định mình.

Hình ảnh người phụ nữ và thân phận long đong như thân cò mò mẫm có lẽ đã trở thành một điều quan thuộc trong ca dao dân ca Việt Nam. Người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa là những người phải chịu nhiều thiệt thòi, áp bức bóc lột của giai cấp cường quyền, thậm chí cuộc đời họ vướng vào nhiều chông gai, sóng gió.

Họ mang vẻ đẹp thanh thoát, nhẹ nhàng với tâm hồn và tình yêu trong sáng nhưng họ luôn bị các thế lực tàn bạo vùi dập một cách không thương tiếc. Sự bất công dưới chế độ phong kiến càng được hiện hữu rõ khi theo tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, họ chỉ coi phụ nữ như tầng lớp cuối của xã hội không có chỗ để họ vực dậy đấu tranh.

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son…”

(Bánh trôi nước – Hồ Xuân Hương)

Lời thơ giống như lời bộc bạch cho chính thân phận của nữ nhà thơ và đồng thời là lời khẳng định bảo vệ cho phụ nữ nói chung.

Người phụ nữ xưa có nhan sắc, phẩm hạnh nhưng quả thực đúng như câu nói cho các bậc thi nhân nói về số phận của người phụ nữ “tài hoa bạc mệnh” dù họ đẹp nhưng vẫn phải chịu một cuộc đời trôi nổi đầy sóng gió.

“Thân em như tấm lụa đào,

phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

Đây cũng là một câu ca dao đã nói lên được hết số phận trôi nổi, “phất phơ” giữa cuộc đời không chốn nương tựa. Người phụ nữ giống như “tấm lụa đào” tuy đẹp tuy thướt tha nhưng dường như không có giá trị cứ mặc ngang giữa đường đời không ai hay.

Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam còn rất nhiều những câu thơ hay về chủ đề quen thuộc này, những câu ca dao than thân, trách phận:

“Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày”

“Thân em như chổi đầu hè

Phòng khi mưa gió đi về chùi chân

Chùi rồi lại vứt ra sân

Gọi người hàng xóm có chân thì chùi”

Ngay trong ca dao tục ngữ, người xưa cũng đã có thể nhìn ra sự bất công của xã hội dành cho người phụ nữ. Những điều xót xa như vậy lại được thể hiện qua nhịp điệu lạc quan, phóng khoáng.

Quan niệm “xuất giá tòng phu”, “lấy chồng làm ma nhà chồng” đã khiến bao người phụ nữ xưa phải ngậm ngùi nuốt đắng cay, đặc biệt khi lấy chồng xa quê nỗi nhớ khôn nguôi khi đứng ngóng trông về quê mẹ:

“Chiều chiều ra đứng bờ sông

Muốn về với mẹ mà không có đò”

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”

“Chiều chiều xách giỏ hái rau

Ngó lên mả mẹ ruột đau như dần”

Mặc dù phải chịu những đau thương như vậy nhưng tâm hồn họ vẫn trong sáng, người phụ nữ vẫn luôn có khao khát được hưởng một hạnh phúc trọn vẹn, vẫn ước mơ có tình yêu đẹp:

“Ước gì sông rộng một gang

Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”

Chỉ là những lời ca ngắn ngủi nhưng vô cùng cô đọng, đó là những lời than thân những lời thổ lộ hết nỗi lòng của người phụ nữ xưa. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào thì vẻ đẹp của người phụ nữ cũng không bị vùi lấp.

Xem thêm:

Trên đây là những phân tích của NuChinh về ca dao than thân về người phụ nữ. Cho dù ở bất kỳ thời đại nào thì phụ nữ vẫn là nguồn cảm hứng bất tận của văn thơ. Đừng quên Like, Share cũng như thường xuyên ghé thăm NuChinh để có thêm nhiều kiến thức thú vị về chị em chúng mình nhé.

5/5 - (1 bình chọn)
Sponsored
Nguyễn Oanh

Được viết bởi
Nguyễn Oanh

Bài viết gần đây

Giới Thiệu Về Dòng Laptop Chất Lượng Tại Hệ Thống Clickbuy

Laptop là dòng máy được rất nhiều người sử dụng. Để chọn được những dòng…

3 tháng ago

Từ hôm nay, 4 con giáp may mắn được Thần Tài chiếu cố, có số mệnh giàu sang

Theo tử vi dự báo rằng 4 con giáp may mắn dưới đây sẽ được…

4 tháng ago

10 ngày đầu tháng 1/2024: 4 con giáp đại phú đại cát, tiền của đếm không hết

Theo tử vi thì vận trình của 4 con giáp dưới đây sẽ được thăng…

4 tháng ago

Khai xuân 2024: 10 ngày đầu năm 4 con giáp được thoát nghèo, tài lộc dồi dào

Khoảng thời gian 10 ngày đầu năm 2024 sẽ có 4 con giáp được thoát…

4 tháng ago

Lịch cắt tóc tháng 1/2024: Khai xuân như ý, phát tài phát lộc

Cắt tóc được xem là nhu cầu thiết yếu của mỗi người, đặc biệt là…

4 tháng ago

5 ngày cuối cùng năm 2023: 3 con giáp một nấc lên đời, tiền tài phủ phê

Theo tử vi thì 5 ngày cuối cùng của tháng 12 Dương năm 2023, ba…

4 tháng ago